Hàng xóm chê ba mẹ tôi đã không có tiền còn cho con đi học, cho rằng tôi có thể kiếm được nhiều tiền nếu nghỉ học giống con họ.
Chia sẻ quanh câu chuyện “Đời nghèo“, độc giả Test Test cho rằng con đường bền vứng nhất để thoát nghèo chính là học vấn:
“Không phải nghèo bền vững thì không thay đổi được. Muốn thay đổi thì cần đổi tư duy trước. Học không phải chỉ để nói năng cho hay, để nhìn cái tên đường cho đúng. Học là để mở ra con đường thoát nghèo. Chỉ cần có học, siêng năng, chăm chỉ, không cần cao siêu gì thì ít nhất làm công nhân khi tốt nghiệp THPT cũng đã 5 triệu đồng/ tháng. Chịu khó học lên đại học, quyết tâm làm việc thì mỗi tháng cũng ít nhất cũng kiếm được 7 triệu đồng.
Lúc tôi còn đi hoc đại học, hàng xóm nhiều người chê ba mẹ tôi đã không có tiền còn cho con đi học. Họ dè bỉu, khinh khi vì theo họ, tôi có thể kiếm được nhiều tiền nếu nghỉ học giống con họ. Đến giờ, khi nhà tôi xây lại khang trang hơn, họ lại bảo ba mẹ tôi giả nghèo chứ chẳng ai nghĩ đến chuyện một người học đại học có thể làm được cái gì cho nhà mình.
Tư tưởng cứ quanh quẩn nhiều thế hệ như thế thì bảo sao không nghèo bền vững? Khi tôi đi học đại học, ba mẹ không chu cấp được nhiều vì không có tiền. Tôi vẫn quyết tâm phải học, làm thêm, tiết kiệm đủ thứ, mượn sách thư viện và anh chị khoá trên. Lúc đầu có thể học sẽ không tạo ra giá trị nhiều nhưng sau này nó không chỉ trang bị kiến thức mà còn cả sự nỗ lực và chí hướng thay đổi những thế hệ sau”.
Cùng chung quan điểm trên, bạn đọc Thảo Nguyễn chỉ ra vòng luẩn quẩn nghèo của nhiều gia đình Việt khi cho con cái nghỉ học:
“Thật đau lòng khi ba mẹ nghèo, con cái không được học hành rồi lại tiếp tục nghèo. Cứ thế, cái nghèo truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Không phải họ không nhận thức được ý nghĩa của việc học hành, mà không có tiền đi học. Vì vậy cần chính sách hỗ trợ để học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể học đến hết cấp hai. Từ đó, họ có thể đi học nghề hoặc đi làm công nhân, chứ không có chữ lận lưng thì làm gì cũng khó”.
Nói thêm về sai lầm trong tư tưởng “bỏ học kiếm tiền”, bạn đọc Jung Chan Hyuk nhận định:
“Vấn đề không phải ở đâu xa mà chính là ở trình độ văn hóa. Cứ lấy lý do nhà nghèo rồi bắt con cái nghỉ học sớm sẽ chỉ càng bế tắc. Ít nhất, cũng phải lo cho con tốt nghiệp cấp ba, lúc đó chúng có thể ‘tự bơi’ được. Nhiều người không bệnh tật mà nghèo cũng một phần do lười biếng”.
“Lại bỏ học đi làm mướn, cứ vòng luẩn quẩn này còn nghèo bền vững đến bao giờ? Mong chính quyền, các tổ chức xã hội tìm hướng giải quyết, giúp đỡ những hoàn cảnh này sớm thoát ra sự níu kéo của cái nghèo”, độc giả Phạm Trường Giang nhấn mạnh.
Nguồn: vnexpress.net