I. Sứ mạng:
     Trường Đại học Phạm Văn Đồng là cơ sở công lập, đào tạo đa ngành, đa phương thức; là cơ sở nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ngãi và cả nước.
 II. Tầm nhìn đến năm 2030:
    Trường Đại học Phạm Văn Đồng trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng có uy tín trong cả nước.
 III. Mục tiêu tổng quát:
    Đến năm 2020, Trường Đại học Phạm Văn Đồng trở thành cơ sở đào tạo nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung – Tây Nguyên; là cơ sở khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ một cách thiết thực và hiệu quả. Trường từng bước được hiện đại hóa, thiết lập quan hệ, hợp tác với một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Đạt các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Thực hiện theo lộ trình đồng bộ các biện pháp, giải pháp để thực hiện quyền tự chủ, tự chiụ trách nhiệm, xem đây là khâu quyết định, là yếu tố để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
 IV. Mục tiêu cụ thể:
    A. MỤC TIÊU VỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ
    Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có đạo đức, phẩm chất, năng lực, tạo sự chuyển biến đồng bộ ở tất cả các khâu tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, bố trí sử dụng. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa giảng viên và cán bộ quản lý từ nguồn giảng viên tại chỗ, có chế độ thỏa đáng, khuyến khích giảng viên trẻ học sau đại học trong và ngoài nước, kết hợp với chính sách thu hút người tài, có trình độ cao, chuyên gia.
    Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao, có phẩm chất và năng lực để đáp ứng nhu cầu giảng dạy và NCKH. Có cơ chế quản lý cán bộ, bảo đảm tăng cường trách nhiệm cá nhân trong thực thi nhiệm vụ được giao. Chú trọng đến việc nâng cao mức sống của đội ngũ cán bộ, viên chức trên cơ sở chất lượng hiệu quả công tác đạt được. 
    Phấn đấu năm 2020, từ nguồn đào tạo trong và ngoài nước kết hợp với chính sách thu hút, trường có 90% giảng viên cơ hữu đạt trình độ sau ĐH, trong đó 15 % có trình độ TS; năm 2030 có 100% GV cơ hữu đạt trình độ sau đại học, trong đó 30% có trình độ TS. 
    B. MỤC TIÊU VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ TÀI CHÍNH
    – Cơ sở vật chất: Tiếp tục triển khai Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Phạm Văn Đồng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020 hướng đến mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án; trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học; cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt cho cán bộ, viên chức. 
   – Công tác tài chính: Xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn, nghiên cứu xác lập, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, mở rộng các hoạt động để tăng quy mô các nguồn thu. Sử dụng có hiệu quả và hợp pháp các nguồn kinh phí, ưu tiên bố trí kinh phí với tỷ trọng hợp lý để đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ giảng dạy, nghiên cứu, học tập.
   Xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất.
    C. MỤC TIÊU VỀ ĐÀO TẠO
    – Tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh theo đúng các quy định của Bộ GD&ĐT. Việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm bám sát các quy định hiện hành, thực tiễn về cơ sở vật chất, đội ngũ của nhà trường và định hướng phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Quan tâm nâng cao chất lượng đầu vào để tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng đào tạo.
    Quy mô đào tạo của trường đến năm 2020 đạt 9.000 sinh viên trong đó có 6000 sinh viên hệ chính quy và 3000 sinh viên hệ không chính quy.
    – Tiếp tục triển khai đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo và hình thức đào tạo để phù hợp tốt hơn nữa yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, phát triển quy mô đào tạo hợp lý, tiến đến đào tạo sau đại học ở một số ngành; đầu tư phát triển các ngành mũi nhọn của trường là ngành sư phạm, công nghệ kỹ thuật cơ khí và công nghệ thông tin.
    – Đến năm 2020 trường phấn đấu có 02 ngành cao học, 12 ngành đào tạo bậc đại học, 30 ngành đào tạo bậc cao đẳng hệ chính quy; 08 ngành đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH, 10 ngành đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ; 05 ngành đào tạo CĐ hình thức vừa làm vừa học, văn bằng 2 và 06 chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ. Ngoài ra, còn có một số nhóm ngành đào tạo ngắn hạn khác theo nhu cầu của các địa phương, của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực.
    – Đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung cho phù hợp với sự phát triển và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Đến năm 2020 có 80% các môn học có giáo trình, bài giảng được in lưu hành nội bộ hoặc đưa lên website của trường. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực và bám sát chuẩn đầu ra nhằm hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học, bảo đảm chất lượng thực chất, đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
    – Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo, bồi dưỡng, liên thông đào tạo theo học chế tín chỉ đối với tất cả các ngành học, các khóa học trình độ cao đẳng và đại học, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và tạo chuyển đổi ngành nghề cho người học. Hoạt động đào tạo theo phương châm hướng đến người học, hướng đến cộng đồng xã hội, gắn kết chặt chẽ hoạt động của nhà trường với các doanh nghiệp, các trường học và thực tế đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội và quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
    – Tạo môi trường dạy hoc, nghiên cứu năng động, sáng tạo thiết thực hiệu quả. Tổ chức để sinh viên tổ chức việc học tập của mình thông qua nắm vững và thực hiện quy trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ, nhanh chóng thích nghi và có kế hoạch rèn luyện kỹ năng ở từng học phần để đạt tới các chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, tăng cường hội nhập và hoạt động thực tiễn; tăng cường năng lực ngoại ngữ, bảo đảm sau khi tốt nghiệp, sinh viên có đủ năng lực sử dụng được ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh trong giao tiếp, làm việc và học tập. Người học có niềm tin vào chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường, nhà tuyển dụng lao động an tâm tuyển chọn nhân lực do trường cung cấp. Hàng năm tỷ lệ HSSV có việc làm đạt trên 50%. 
     – Công tác kiểm định chất lượng giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai thực hiện theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường được đánh giá ngoài đạt tiêu chuẩn về đào tạo trong kiểm định chất lượng trường đại học trước năm 2017, kết quả này được tiếp tục bổ sung và duy trì. 
      – Ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý, đào tạo. Tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy – học. Xây dựng hệ thống phòng học có đủ phương tiện nghe nhìn; một số phòng học, phòng hội nghị qua mạng trực tuyến, đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu và trao đổi thông tin cũng như quản lý; nâng cấp và hiện đại hóa Trung tâm thông tin tư liêụ, thư viện số.
     – Trong quản lý đào tạo, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng HSSV toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, nhất là xây dựng đạo đức, nhân cách lối sống đẹp; giáo dục phẩm chất chính trị, nền nếp, tác phong sinh viên. Bảo đảm kỷ cương, kỷ luật học học đường. Trong từng năm học, sinh viên được đánh giá kết quả rèn luyện khá và tốt chiếm tỉ lệ cao; không có sinh viên vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội. Tổ chức và đa dạng hóa các hoạt động phong trào, các hoạt động học tập – rèn luyện, các hoạt động xã hội nhằm tập hợp, rèn luyện kỹ năng mềm, trải nghiệm cho HSSV. Nhà trường là trung tâm giáo dục, trung tâm văn hóa có môi trường dân chủ, nhân ái nghĩa tình, nơi con người được tôn trọng, được yêu thương được trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo để phát triển suốt đời. Thay đổi tư duy quản lý sang tư duy phục vụ học sinh sinh viên. 
      – Chế độ chính sách cho HSSV, nhất là sinh viên đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số được quan tâm và thực hiện đúng, kịp thời theo quy định hiện hành của Nhà nước. Có chế độ khuyến khích, tạo động lực, nâng đỡ sinh viên giỏi, có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học. Công khai các hoạt động đào tạo trước xã hội, nâng cao nhận thức và hiểu biết của sinh viên về nghĩa vụ, quyền trong quá trình tham gia đào tạo ở nhà trường. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giáo dục trong công tác đào tạo.
     – Giữ vững nền nếp, tác phong của người học. Phấn đấu đến năm 2020 hàng năm có 95% HSSV có kết quả rèn luyện ở mức khá trở lên, không có sinh viên bị đánh giá rèn luyện yếu, kém.     
D. MỤC TIÊU VỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
    1. Nghiên cứu khoa học của giảng viên
    Đẩy mạnh NCKH, coi hoạt động khoa học và công nghệ đóng vai trò chủ đạo để phát triển nhà trường. Gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học. Tập trung cho nghiên cứu ứng dụng và triển khai theo hai hướng chính:
    •Nghiên cứu về đào tạo: Nghiên cứu các vấn đề có tác dụng trực tiếp đến nhiệm vụ đào tạo của nhà trường. Cụ thể: 
   (1) Nghiên cứu nội dung, chương trình đào tạo cho các mã ngành mới thuộc bậc cao đẳng, đại học; hoàn thiện chương trình đào tạo theo định hướng đào tạo đáp ứng yêu cầu nhà sử dụng; phát triển một số chương trình đào tạo sau đại học.
   (2) Nghiên cứu, phân tích, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực, đón đầu cho phát triển giáo dục đào tạo và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, khu vực.
   (3) Đề ra những giải pháp khả thi, hữu hiệu để nâng cao chất lượng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp đối với sinh viên.
   (4) Nghiên cứu phát triển hệ thống giáo trình, bài giảng phục vụ tốt việc dạy và học. Ứng dụng CNTT rộng rãi trong điều hành quản lý, giao dịch, dạy – học.
    •Nghiên cứu khoa học – công nghệ, kinh tế, xã hội: 
Bám sát kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ của Bộ GD&ĐT, của tỉnh Quảng Ngãi, gắn NCKH với thực tiễn giáo dục các bậc học mầm non, phổ thông và thực tiễn sản xuất nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, thiết thực cho địa phương, khu vực. Cụ thể là: 
   (1) NCKH sư phạm ứng dụng để đổi mới phương pháp dạy học; các phương pháp phát triển năng lực học tập của sinh viên trong đào tạo theo học chế tín chỉ.
   (2) Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp ứng dụng trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin – truyền thông, môi trường,…
   (3) Nghiên cứu giải quyết những vấn đề về kinh tế, xã hội.
  (4) Nghiên cứu về khoa học cơ bản làm nền tảng cho giảng dạy; dự báo những vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như: lịch sử, văn học, văn hóa, du lịch, tôn giáo,… 
   Tăng cường công tác NCKH của giảng viên, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước, thực hiện các đơn đặt hàng của các cơ quan và doanh nghiệp để có nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ. 
   – Giai đoạn 2015-2020: Hàng năm có 15 đề tài NCKH cấp trường. Có công trình NCKH cấp Bộ, cấp Tỉnh với tư cách là chủ nhiệm đề tài hoặc thành viên nhóm nghiên cứu. 100% giảng viên có học vị thạc sĩ, tiến sĩ đều có công trình nghiên cứu khoa học; kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học trong nước hoặc nước ngoài. Thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ, nhóm NCKH “Hóa – Sinh – Môi trường”,… 
   – Giai đoạn 2021-2030: Gắn đề tài nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các cơ quan, doanh nghiệp. Hàng năm có 25 đề NCKH, kết quả nghiên cứu có giá trị thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực. Thành lập thêm các nhóm NCKH, trong đó mời một số thành viên thuộc các đơn vị ngoài trường tham gia. Bảo đảm xuất bản Tạp chí Khoa học và Công nghệ của trường 3 số/năm. 
   2. Nghiên cứu khoa học của sinh viên
  – Công tác NCKH của sinh viên phải được phát triển đồng bộ tại các khoa. Đảm bảo sinh viên được bồi dưỡng phương pháp luận nghiên cứu khoa học, được chọn giảng viên hướng dẫn. Quy trình tổ chức thực hiện được bám sát quy định NCKH trong sinh viên do nhà trường ban hành. 
  – Khuyến khích sinh viên tham gia NCKH bằng cách hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, tạo điều kiện tối đa để SV sử dụng phòng thí nghiệm, xưởng thực hành,… tạo điều kiện tốt để sinh viên dự hội thi sáng tạo kỹ thuật ở địa phương và dự hội nghị khoa học SV toàn quốc do Bộ GD&ĐT tổ chức.
  – Hàng năm, có khoảng 30% số lượng đề tài NCKH của sinh viên được tham gia xét giải thưởng sinh viên NCKH cấp trường. Giai đoạn 2016 đến 2020 có ít nhất 2 sản phẩm tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Giai đoạn 2021-2030 có ít nhất 2 đề tài NCKH sinh viên tham gia xét giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” do Bộ GD&ĐT tổ chức. 
  – Kết quả NCKH của sinh viên ngoài việc phục vụ học tập, còn có khả năng ứng dụng thực tế sản xuất.
   E.  MỤC TIÊU VỀ HỢP TÁC QUỐC TẾ
   1. Tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác với các trường đại học nước ngoài hướng đến mục tiêu liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, thực tập giảng viên, sinh viên, nghiên cứu khoa học:
   – Liên kết với trường Đại học Soongsil (Hàn Quốc) trong đào tạo trình độ thạc sỹ, trao đổi sinh viên, chuyển tiếp đại học.
   – Hợp tác đào tạo với Trường Đại học Mingdao và Chungchou (Đài Loan), trường Đại học Chămpasăk (Lào),…
   2. Tiếp tục tăng cường mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ như VVOB để đổi mới phương pháp dạy học; tổ chức Global Scope, Fulbright để mời giảng viên về giảng dạy tại trường.
   3.Tạo điều kiện để giảng viên được đào tạo sau đại học tại các trường đại học nước ngoài. Tổ chức các đoàn giảng viên nghiên cứu, học tập mô hình giáo dục tiên tiến của các nước thông qua hợp tác quốc tế. 
   4. Đến năm 2020 có ít nhất một chương trình liên kết đào tạo với trường đại học nước ngoài.